Chậm nộp tiền mua nhà: Khách hàng làm khó chủ đầu tư

 

Nhiều chủ đầu tư than thở rất đau đầu với chuyện khách mua nhà không nộp tiền đúng tiến độ, sau đó còn 'làm dữ' nếu bị hủy hợp đồng hoặc phải nộp tiền phạt.

 

 

>>> Đừng để mất oan khoản thuế thu nhập cá nhân vì thiếu hiểu biết

 

>>> Đầu tư bất động sản - Những rủi ro không thể bỏ qua

 


Có những khách hàng sau khi đóng tiền được một vài đợt đầu rồi' lặn mất tăm', đến khi chủ dự án thông báo chấm dứt hợp đồng mới hốt hoảng cầu cứu khắp nơi...

 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chậm nộp tiền của khách không những gây ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà liên quan đến cả quyền lợi của những người mua khác, bởi phải có tiền dự án mới có thể hoàn thành đúng tiến độ. Nguồn tiền này ngoài đi vay đương nhiên chủ đầu tư phải thu từ khách hàng.

 

 

 Chúng tôi biết người mua nhà cũng rất khó khăn mới gom góp được tiền mua được căn hộ nên chủ đầu tư không  muốn gây khó dễ.


 Tuy nhiên nhiều người mua cố tình chây ì, không đóng tiền sẽ gây khó khăn cho chúng tôi trong việc xoay xở vốn  kinh doanh...


 Chủ đầu tư một dự án căn hộ tại quận 7, Tp.HCM

 

 


Mua nhà nhưng... quên nộp tiền!


Tháng 8/2015, chị P.N.Q.N. (ngụ quận 11, Tp.HCM) ký hợp đồng đặt cọc mua căn hộ với một công ty bất động sản ở quận Tân Phú.

 

Theo nội dung ký kết, ngay khi ký chị N. phải đặt cọc cho công ty số tiền tương đương 15% giá trị căn hộ. Hai tháng sau, chị N. phải thanh toán tiếp số tiền tương đương 5% tổng giá trị căn hộ. Tổng cộng hai đợt chị N. đã đóng số tiền gần 200 triệu đồng. Số tiền này sau đó sẽ được chuyển thành tiền thanh toán hợp đồng mua bán căn hộ.

 

Nội dung hợp đồng cũng ghi rõ trong thời gian 7 ngày kể từ ngày công ty gửi thông báo yêu cầu ký hợp đồng mua bán căn hộ, nếu khách mua từ chối đến ký hoặc không phản hồi lại cho công ty thì toàn bộ số tiền cọc sẽ không được hoàn trả mà không có bất kỳ khiếu nại, thắc mắc gì và phía công ty được bán căn hộ cho người khác.

 

Sau khi hoàn thiện phần móng, công ty bất động sản nọ gửi thông báo cho chị N. đóng tiền để ký hợp đồng mua bán nhưng đến hạn không thấy chị N. đóng tiền.

 

Công ty gửi thêm 2 lần thông báo cho chị N. nhưng đều không nhận được phản hồi. Mười tháng sau, sau khi công ty thông báo không hoàn lại số tiền cọc, chị N. mới tá hỏa, lên xuống xin công ty được đóng tiền đẩy chủ đầu tư vào thế khó xử.

 

Chị N. cho biết do công việc quá bận rộn nên khi nhận được thông báo chị không để ý. Nghĩ hợp đồng đặt cọc đã ký sẽ không mất tiền, sau khi chần chừ một thời gian thì chị N. 'quên' luôn khoản nợ.

 

Hiện chị N. đang làm đơn yêu cầu công ty xem xét cho chị được tiếp tục đóng tiền mua căn hộ. “Do không đọc kỹ hợp đồng nên tôi cứ nghĩ đóng trễ cũng chỉ bị phạt chứ không bị hủy hợp đồng, sau thời gian cà kê không lên đóng, ai ngờ bị thông báo hủy” - chị N. phân trần.

 

Một trường hợp khác là chị N.T.M.H. (ngụ quận Phú Nhuận), do hay phải đi công tác xa nên trước khi ký hợp đồng mua một căn hộ tại quận 7, chị H. xin chủ đầu tư được giãn tiến độ đóng tiền và được nhân viên tư vấn đứng ra đảm bảo 'nếu nộp chậm vẫn không bị phạt', chị H. yên tâm ký hợp đồng. Sau khi đóng được 3 đợt, do bận đi công tác xa nên chị H. quên luôn chuyện đóng tiền.

 

Sau đó, chị nhận được thông báo phạt tiền vì chậm nộp 3 tháng. Chị viết đơn khiếu nại yêu cầu hoàn tiền nhưng chủ đầu tư dựa vào hợp đồng, không chấp nhận hoàn trả. Phải mất một thời gian dài lên xuống làm việc, chị H. mới được chủ đầu tư đồng ý trả lại tiền.

 

Trong khi đó, dù 'làm căng' nhiều lần nhưng khách hàng tên L.T.M. (ngụ quận Gò Vấp) vẫn không chịu tiếp tục nộp tiền với lý do không có khả năng, chủ đầu tư của một dự án căn hộ tại quận Thủ Đức đành chấp nhận 'xuống nước' để chị M. chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán căn hộ cho khách hàng khác mà không phải nộp phạt.

 

Chủ đầu tư căn hộ chị M. mua cho biết, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và theo hợp đồng, khách hàng phải nộp số tiền là 70% giá trị căn hộ, nhưng đến nay chị M. mới đóng được 30%  dù doanh nghiệp đã nhiều lần gửi thư hoặc gọi điện nhắc nhở, khuyến cáo.

 

Chậm nộp tiền mua nhà: Khách hàng làm khó chủ đầu tư

 

Người mua nhà tham quan, tìm hiểu tại một dự án căn hộ ở quận 2, Tp.HCM. Ảnh: Quang Định

 

Không cẩn thận, dễ mất tiền


Không ít chủ đầu tư than thở rất “đau đầu” về chuyện người mua nhà nộp tiền chậm. Thông thường, doanh nghiệp sẽ giải quyết êm thấm bằng cách chỉ phạt nộp chậm mà không hủy hợp đồng mua bán. Tuy nhiên cũng có những công ty xử lý 'mạnh tay' thì người mua nhà đành mất trắng.

 

Đại diện công ty bán căn hộ cho chị N. cho biết việc khách hàng đóng tiền chậm là chuyện không hiếm. Dù công ty tìm mọi cách thông báo nhưng nhiều người vẫn cố ý phớt lờ. Nhiều trường hợp khách hàng còn không chịu đọc hợp đồng, đến khi xảy ra chuyện mới giải thích không nhận được thông báo và làm áp lực với chủ đầu tư.

 

Vị đại diện công ty trên chia sẻ, không phải trường hợp đóng chậm nào công ty cũng xử lý căng thẳng. Nếu khách hàng trình bày hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng trả nợ, phía công ty vẫn sẵn sàng cho bảo lưu hoặc trả lại đủ số tiền đã đóng.

 

Riêng với trường hợp của chị N. công ty đang xem xét, nếu thấy hợp lý có thể sẽ cho đóng tiền để ký hợp đồng mua bán.

 

Đại diện một công ty bất động sản ở quận 3 cũng cho biết hiện nay khách mua nhà đã chậm nộp của công ty số tiền lên tới hơn 300 tỉ đồng. Có người đóng trễ đến một năm.

 

Mặc dù công ty gửi nhiều đợt thư từ, thông báo, gọi cả điện thoại, gửi mail nhắc nhở nhưng khách hàng vẫn chây ì không đóng. Theo nguyên tắc nếu khách hàng nộp chậm, công ty có quyền đơn phương thanh lý nhà. Tuy nhiên trên thực xử lý việc này không dễ.

 

Có những khách hàng cố tình không đóng, đến khi bị phạt mới làm đơn kiện khắp nơi, công ty lại phải cử người đi xử lý từng vụ việc rất mất thời gian và ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.

 

“Sau khi xảy ra nhiều vụ kiện, công ty quyết định sẽ phạt nặng trường hợp khách hàng đóng tiền trễ. Những khách hàng nào cố tình trì hoãn, đóng chậm nhiều đợt công ty sẽ nhất quyết hủy hợp đồng” - vị này chia sẻ.

 

Chủ đầu tư dự án căn hộ tại quận Thủ Đức cũng cho biết đã nhiều lần gửi thư, gọi điện nhắc nhở nhưng chị M. vẫn không đến nộp tiền cũng không có phản hồi. Chỉ sau khi tìm được người mua lại căn hộ của mình, chị M. mới báo là không có khả năng đóng tiền tiếp, muốn chuyển nhượng lại nhưng đề nghị không phải nộp phạt.

 

Trong thực tế, theo vị đại diện này, khoản chênh lệch mà chị M. được hưởng khi chuyển nhượng lại hợp đồng lên tới 25% so với số vốn chị góp ban đầu.

 

“Do số tiền phạt cũng không nhiều, chúng tôi cũng không muốn phiền phức nếu còn gắn kết với những khách hàng kiểu này nên đành chấp nhận” - chủ đầu tư này nói.

 

 
 
 Chủ đầu tư và khách hàng đều phải thực hiện đúng cam kết

 

 Các chủ đầu tư bất động sản thường không có nhiều vốn tự có nên họ dựa vào hai nguồn vốn chủ lực là nguồn  vốn tín dụng ngân hàng và huy động từ khách hàng để hoàn thành dự án.

 

 Trong khi nguồn vốn vay làm đội giá thành, chưa kể rất khó tiếp cận, hầu hết các chủ đầu tư phải dựa nhiều vào  nguồn vốn của người mua nhà.

 

 Nếu quá nhiều người mua nhà chậm trễ thanh toán, các chủ đầu tư sẽ gặp khó và dự án không thể hoàn thành  theo đúng tiến độ. Như vậy, không những chủ đầu tư bị ảnh hưởng mà ngay cả những người mua nhà đã thanh  toán đầy đủ theo tiến độ cũng chịu thiệt thòi.

 

 Ngoài một số chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, các chủ đầu tư có năng lực và làm ăn đàng hoàng đều rất  muốn hoàn thành công trình, bởi lẽ càng rút ngắn được thời gian thi công thì càng tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu  quả nguồn vốn đầu tư.

 

 Do đó, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, giảm rủi ro cho cả chủ đầu tư và người mua nhà không  chỉ đòi hỏi các chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng mà ngay cả người mua nhà cũng phải tuân thủ đúng các cam kết đã  ký trong hợp đồng.

 

 Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

 

 Người mua nhà nên tính toán kỹ khả năng tài chính trước khi ký hợp đồng

 

 Không ít người mua nhà có tranh chấp pháp lý liên quan đến việc chậm nộp tiền bị chủ đầu tư hủy hợp đồng.  Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư sẽ mạnh tay hủy luôn hợp đồng và không hoàn trả lại số tiền do hồ sơ pháp lý  của bên bán đầy đủ.

 

 Việc mua bán nhà là thỏa thuận mang tính chất dân sự, kinh doanh đã được ký kết là dựa trên cơ sở tự nguyện, tự  định đoạt của người mua và người bán, luật pháp buộc các bên phải thực thi.

 

 Nếu người mua nhà không tuân thủ đúng các điều kiện, đặc biệt là thời gian nộp tiền thì họ có nguy cơ mất trắng  số tiền đã nộp.

 

 Do đó, không chỉ tìm hiểu và chọn lựa chủ đầu tư uy tín để mua nhà, bản thân các khách hàng cũng cần có sự tính  toán kỹ khả năng tài chính, cần chắc chắn mình có thể đảm bảo khả năng nộp tiền theo đúng tiến độ rồi hãy quyết  định ký hợp đồng mua nhà.

 

 Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)

 
 

 

(Theo Tuổi trẻ online)

Giới thiệu

Với triết lý xem quyền lợi của khách hàng là trên hết, chúng tôi luôn trân trọng yêu cầu của khách hàng và xem sự thỏa mãn yêu cầu của khách hàng mục tiêu để phấn đấu...
  • Saigon Realtor
  • SwanBay Oasia
  • Thành Phố Thủ Đức
  • Dịch vụ

    Liên hệ

    Gọi ngay
    Top